Toyota giữ vững vị trí đầu bảng, trong khi Volkswagen chỉ xếp thứ 9 nhưng là thương hiệu duy nhất tăng giá trị so với năm trước.
Toyota tiếp tục là thương hiệu ôtô giá trị nhất thế giới trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu do công ty nghiên cứu thị trường Kantar Millward Brown công bố. Sau Toyota, chỉ có Mercedes và BMW có tên trong danh sách BrandZ Top 100. Ford và Honda biến mất sau khi từng góp mặt vào năm 2018.
10 thương hiệu ôtô giá trị nhất thế giới
Xếp hạng | Thương hiệu | Giá trị (tỷ USD) |
1 | Toyota | 29,15 |
2 | Mercedes | 23,36 |
3 | BMW | 23,33 |
4 | Honda | 11,75 |
5 | Ford | 11,21 |
6 | Nissan | 10,55 |
7 | Tesla | 9,29 |
8 | Audi | 8,56 |
9 | Volkswagen | 6,71 |
10 | Porsche | 5,82 |
Hãng xe Nhật chiếm vị trí số một trong 12 năm trong tổng số 14 năm xếp hạng. Hai năm mà Toyota không phải quán quân là 2010 và 2012, nhưng cũng ở vị trí á quân.
“Tạo sức ảnh hưởng toàn cầu là một phần rất lớn trong vị thế của Toyota. Ở mỗi khu vực hãng đều có một đại diện tốt”, Graham Staplehurst, Giám đốc chiến lược của Global BrandZ nói với Automotive News Europe. “Toyota cũng là một nhà tiên phong của nhiên liệu thay thế. Mọi người đều đã biết Prius. Chúng tôi cũng làm một số khảo sát đối với các mẫu xe điện, và dù Tesla đứng đầu bảng, Toyota vẫn về thứ hai rồi đến Volkswagen”.
Camry, một trong những sản phẩm góp phần vào thành công của hãng xe Nhật.
Volkswagen là thương hiệu duy nhất trong top 10 của ngành ôtô có tăng trưởng về giá trị so với năm trước, mức 12%. Hãng Đức thu lợi nhuận từ những thay đổi sau vụ bê bối khí thải và “giữ cân bằng tốt hơn để chiếm lợi thế từ việc chuyển sang nhiên liệu thay thế”, như Staplehurst nhận xét.
Porsche là “tân binh” duy nhất của top 10 sau khi đẩy liên doanh Maruti-Suzuki ra khỏi danh sách để chiếm vị trí thứ 10. Chiến lược của Porsche được Staplehurst ca ngợi, đặc biệt về điện khí hóa. Mẫu xe thể thao chạy điện mới của Porsche, Taycan, có thể đã hết hàng trước khi ra mắt.
Trừ Volkswagen, tất cả các hãng ôtô đều giảm giá trị thương hiệu so với 2018 do giảm sự cộng hưởng mẫu mã đối với khách hàng so với các hãng công nghệ như Amazon, Apple hay Google.